Là một trong 5 mô hình phát triển kinh tế thực hiện theo Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2019 - 2020. Mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại vùng ven biển huyện Kim Sơn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Qua đó, góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung hàng hóa theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.
Bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và phần đối ứng của các hộ, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và triển khai mô hình tại xóm 5 – xã Kim Đông – huyện Kim Sơn với sự tham gia của 05 hộ hội viên diện tích 5ha.
Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ một phần con giống, thức ăn hỗn hợp, vi sinh xử lý ao nuôi, bạt che phủ … theo đúng định mức hỗ trợ quy định tại NQ 39 của HĐND tỉnh.
Trong quá trình triển khai và thực hiện mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo và phân công 01 đồng chí cán bộ có kinh nghiệm theo dõi, giám sát và hướng dẫn trực tiếp các bước kỹ thuật cho hộ tham gia dự án như kỹ thuật chăm sóc, chọn thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng theo từng giai đoạn nuôi tôm; kỹ thuật xử lý môi trường nước bằng cách kiểm tra độ PH ao nuôi, kiểm tra bạt phủ đáy ao đảm bảo phủ kín mặt đáy ao lên đến mép bờ, bạt không bị rách để nước không bị thất thoát; kỹ thuật phòng trị bệnh cho tôm; hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý ao nuôi lasachu – TS theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo môi trường nước ao phù hợp nhất trước và trong quá trình nuôi tôm.
Sau 04 tháng triển khai mô hình, các hộ áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của cán bộ chỉ đạo và quy trình nuôi tôm an toàn. Lấy phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh các hộ cũng thường xuyên theo dõi môi trường ao nuôi và tình hình sinh trưởng và phát triển của tôm nên tôm ít bị bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, tôm đạt tỷ lệ sống đạt 85%; các hộ thả tôm đảm bảo mật độ kỹ thuật 145 con/m2. Tuy nhiên vẫn gặp phải một số bệnh phổ biến như bệnh đốm trắng, đầu vàng. Do phát hiện sớm, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn định kỳ phòng bệnh bằng vitamin C tạt và một số thuốc khác nên mức độ bị bệnh đều ở mức nhẹ. Đến thời điểm nghiệm thu tôm cho năng suất đạt 70 tấn/5ha. Sau khi trừ chi phí thì mỗi hộ thu lãi hơn 1 tỷ đồng/ha.
Đối với nuôi tôm theo hướng công nghệ cao việc lựa chọn giống tôm đạt tiêu chuẩn và xử lý được môi trường sống sẽ là điều tiên quyết để tăng tỷ lệ sống và tăng sự phát triển của tôm.
Hộ ông Phạm Văn Thảo - tham gia mô hình nuôi tôm công nghệ cao và thả tôm vào tháng 8/2020 với diện tích 01 ha và được hỗ trợ 160 triệu đồng từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, gia đình ông đã thu về lứa tôm đầu tiên với tổng sản lượng 14 tấn/ha.
"Từ việc được lựa chọn tham gia mô hình tôi thấy việc xây dựng mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại địa phương là rất cần thiết do đó tôi đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thu được trong quá trình tham gia mô hình và hỗ trợ kỹ thuật về mô hình cho các hộ lân cận." - Ông Thảo chia sẻ.
Đồng chí Trần Thị Thu Hương, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết, để triển khai tốt mô hình Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách cũng như Hội Nông dân cơ sở lựa chọn các hộ có tâm huyết, có kinh nghiệm trong chăn nuôi thủy hải sản; thông qua tổ hợp tác nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại vùng ven biển huyện Kim Sơn để triển khai mô hình và các hộ học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác phòng trừ bệnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các hộ thực hiện tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn nhằm mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Lê Bích