Từ năm 2018, anh Lộc bắt đầu áp dụng thử nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn công nghệ Biofloc. Tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, song thời gian nuôi ngắn, năng suất, sản lượng tăng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống trước đó. Nhất là việc ứng dụng chế phẩm sinh học Biofloc có giá trị dinh dưỡng cao làm thức ăn cho tôm đã giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi. Tôm nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học nên đảm bảo về chất lượng đầu ra. Đồng thời, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy rõ hiệu quả kinh tế của mô hình này, nhiều hộ nuôi tôm ở Tiên Yên, Móng Cái, Quảng Yên... đã mạnh dạn áp dụng, cho năng suất, chất lượng cao.
Hơn 800 hộ dân ở 2 huyện Đông Triều và Quảng Yên đã ứng dụng chế phẩm AT-YTB xử lý rơm rạ sau thu hoạch với quy mô 70ha. Chế phẩm sau xử lý 7 - 10 ngày cho thấy, rơm rạ được phân hủy trên 90%, bùn ruộng mát, mềm hơn so với ruộng không được xử lý. Đồng ruộng giảm mùi tanh hôi do các khí phân hủy rơm rạ gây ra nên giảm ốc bươu vàng gây hại. Nhờ đó, năng suất lúa tăng khoảng 5 - 10%, sử dụng liên tục nhiều vụ sẽ giúp giảm lượng phân bón từ 15 - 30%.
Hay nông dân tại huyện Quảng Yên đã ứng dụng mô hình đệm lót sinh học với chế phẩm Balasa N01 vào chăn nuôi lợn sinh sản, giúp giữ ấm cho đàn lợn con về mùa đông; đồng thời, giảm mùi hôi thối do chất thải trong chăn nuôi gây ra, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại Quảng Nam, Trung ương Hội NDVN đã đầu tư gần 232 triệu đồng triển khai dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học" cho các hộ dân ở xã Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ). Dự án ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish vào quá trình nuôi gà thịt để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao chất lượng thịt, đồng thời khuyến khích nông dân phát triển tổ hợp tác/HTX chăn nuôi kiểu mới theo hướng bền vững để bảo vệ sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mới đây, Hội ND tỉnh đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 2.400 con gà giống cho 5 hộ gia đình nằm trong HTX gà thả vườn Mười Tín tại xã Tam Thăng. Ngoài ra, các hộ gia đình hội viên, nông dân còn được tập huấn phương pháp chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp và các loại chế phẩm vi sinh vật để nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.
Điển hình như HTX gà thả vườn Mười Tín- xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ được thành lập từ năm 2016, hiện HTX có 5 hộ chăn nuôi gà do hội viên, nông dân Bùi Việt Tín (thôn Mỹ Cang) làm Chủ nhiệm HTX. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm ông nuôi từ 11.000 - 15.000 con gà. Trước khi triển khai dự án, lượng phân gà thải ra của các hộ nuôi hàng ngày rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh.
Được Trung ương Hội NDVN hỗ trợ 2.400 con gà giống, ông Tín chia đều cho 5 hộ dân trong HTX. Không những được hỗ trợ về gà giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, các hộ chăn nuôi tham gia mô hình được tập huấn về quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nói chung, phương pháp quản lý mới nói riêng, theo hướng an toàn sinh học; quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo tiêu chuẩn… Hiệu quả từ các chủng vi sinh vật có trong một số loại chế phẩm sinh học đã giúp cải thiện chế độ tăng trưởng, tăng khả năng chuyển đổi và hấp thụ thức ăn, giảm chi phí thức ăn; tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch của vật nuôi.
Nhiều năm trước đây, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) từng được xem là "thiên đường cây anh túc" (tức cây thuốc phiện) đã hủy hoại biết bao thế hệ người dân trong vùng. Năm 2019, Trung ương Hội NDVN đã quyết định chỉ đạo hỗ trợ Hội ND tỉnh xây dựng mô hình nuôi gà đặc sản đen từ lông đến nội tạng (gà đen) tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.
Những ngày đầu, nhờ sự giúp đỡ của Trung ương Hội, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ 4.000 con giống gà đen bản địa cho 12 hộ gia đình xã Mường Lống. Cùng với đó, Hội hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho các hộ gia đình tham gia.
Từ 12 hộ được Hội ND tỉnh hỗ trợ làm “bệ đỡ”, cùng với 3 hộ trước đây Hội đã đầu tư nuôi gà đen, bà con đã liên kết lại với nhau thành lập chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen trên bản Mường Lống 1. Mỗi thành viên trong chi hội đều tự nguyện trên tinh thần "5 cùng" để nâng cao gia trị sản phẩm gà đen.
Anh Vừ Tồng Pó (1970) ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống đã sưu tầm giống gà mái, gà trống bản địa để nuôi bảo tồn gà đen. Qua nhiều năm kỳ công sưu tầm, hiện anh Pó cũng đã có được hơn 20 cặp giống gà đen bản địa và bắt đầu nuôi cho ấp trứng để phát triển đàn. Việc nuôi nhốt đàn gà trong một diện tích nhỏ bé khiến gà không phát triển được. Thấy vậy, anh đã phải tìm mua thêm đất để mở rộng trang trại, rồi làm bờ rào, khoanh nuôi bảo vệ loài gà đen.
Được Hội ND tỉnh chuyển giao công nghệ ấp trứng, hiện anh Pó đang nuôi 1.200 con gà đen thương phẩm. Bình quân một lứa gà đen nuôi kéo dài 5 tháng, khi xuất bán cho thương lái, gà đạt trọng lượng từ 1,2 - 1.5kg/con bán với giá 200.000 đồng/kg.
Ngoài nuôi gà thịt, anh Pó còn là "ông chủ" cung cấp gà đen giống cho các hộ có nhu cầu mua về nuôi và tái tạo đàn. Mỗi năm anh xuất khoảng 8.000 - 9.000 con gà đen giống cho các gia đình trong và ngoài xã. Gà đen giống từ khi nở cho đến khi bán chỉ mất 7 ngày nên không tốn kém về thức ăn. Giá mỗi con gà đen giống bán 25.000 đồng; sau khi trừ chi phí, anh Pó đã lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ riêng anh Pó, các thành viên trong Hợp tác xã cũng có thu nhập khá cao từ mô hình nuôi gà đen. Hộ có thu nhập thấp nhất từ nuôi gà đen cũng đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng. Hội ND tỉnh đang tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình nuôi gà đặc sản ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) nhằm tạo ra chuỗi nuôi gà đen liên kết cấp vùng.
Kết quả từ các mô hình cho thấy việc ứng dụng những chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi có tác dụng tăng khả năng hấp thụ, phát triển, chống dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống... góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí cho người nông dân.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì, củng cố, nhân rộng các mô hình đã thành công nhằm đảm bảo hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và hướng tới mục tiêu phát triển một nền kinh tế nông nghiệp: Xanh - sạch - bền vững.
Chế phẩm sinh học hiện đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp vì những lợi ích to lớn mà nó mang lại. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chế phẩm sinh học giúp tăng sức đề kháng, giảm 1/3 khẩu phần thức ăn, giảm dùng thuốc kháng sinh và còn có thể giảm 70-80% mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng thịt - trứng - sữa… Hay trong trồng trọt, chế phẩm sinh học giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao sức chống chịu (rét, hạn, úng, sâu bệnh hại…), giảm bệnh tật. Trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học giúp bổ sung những vi khuẩn có lợi giúp cân bằng tiêu hóa, xử lý ô nhiễm, xử lý khí độc trong ao tôm, xử lý bùn đáy, xử lý nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá... Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn giúp cải tạo xử lý đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, hạn chế các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất. |