Trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, chưa được phân loại trước khi thu gom, xử lý ảnh hưởng tới môi trường, được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2021 Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Hội Nông dân thu gom, phân loại xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, cụm dân cư góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới” tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô. Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo HND huyện Yên Mô, HND xã Yên Thái khảo sát, lựa chọn các hộ nông dân nhiệt tình, trách nhiệm trên địa bàn xóm Dầu tham gia. Các hộ được hỗ trợ trang thiết bị thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón (các thùng chứa rác công cộng Composite đặt trên trục đường dân sinh; xô phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ; các thùng ủ phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh xử lý rác). Đồng thời, cán bộ Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tập huấn kỹ thuật phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ thành phân bón cho cây trồng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Rác thải sinh hoạt được hướng dẫn phân loại thành rác thải vô cơ (có thể tái chế hoặc thu gom tập trung tại điểm tập kết theo quy định), rác thải hữu cơ sẽ được dùng để ủ thành phân bón tại các hộ gia đình. Rác hữu cơ như các loại rau, vỏ trái cây, các loại lá non, bã chè, bã cà phê... được cho vào thùng ủ, khi rác đạt độ dày từ 20 - 30 cm thì dùng chế phẩm vi sinh pha với nước để tưới lên rác ủ, đảm bảo độ ẩm từ 50 - 60%. Sau khoảng 2 tháng, lượng rác dưới đáy thùng sẽ tạo thành phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng.
Trong quá trình triển khai mô hình, Hội Nông dân tỉnh, huyện và xã thường xuyên bám sát cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ thực hiện đúng kỹ thuật xử lý rác hữu cơ; kịp thời đưa ra giải pháp với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân xã thành lập 1 Câu lạc bộ Nông dân bảo vệ môi trường với 30 thành viên làm nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường, phối hợp với Đài Phát thanh xã thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Là hộ trực tiếp tham gia mô hình, ông Dương Văn Tuệ cho biết: Mô hình rất thiết thực với bà con nông dân. Trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình tôi đều đổ vào túi, bao tải để xóm thu gom chở đi xử lý. Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, tôi đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thực hiện đúng theo kỹ thuật ủ rác hữu cơ. Đến nay, thùng ủ rác của gia đình tôi đã cho phân bón hữu cơ có màu nâu đen, tơi xốp, không có mùi hôi, dùng để bón cho cây rau trong vườn nhà, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón. Nhờ phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ mà lượng rác phải chở đi xử lý của xóm Dầu đã giảm đi đáng kể.
Có thể khẳng định, việc triển khai mô hình đã mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân có nguồn phân hữu cơ an toàn cho cây trồng, địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nhằm góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp./.
Phạm Hường
Phó Ban Xây dựng Hội