Báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 9/3 đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại rằng, nạn bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn phổ biến trên thế giới, khi cứ 3 người phụ nữ thì lại có 1 người (khoảng 736 triệu phụ nữ) từng phải chịu cảnh bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng, phụ nữ có thể bị bạo lực ngay từ khi còn rất trẻ. Theo đó, cứ 4 phụ nữ lại có 1 người trong độ tuổi từ 15-24 bị bạo lực bởi chính người bạn tình của mình khi bước vào tuổi 20.
Bạo lực do bạn tình cho tới nay vẫn là hình thức bạo lực phổ biến nhất đối với phụ nữ trên phạm vi toàn cầu, khi số người bị ảnh hưởng bởi hình thức bạo hành này lên tới con số 641 triệu. Trong khi, chỉ có 6% phụ nữ trên toàn thế giới thừa nhận rằng họ đã bị tấn công tình dục bởi đối tượng không phải là chồng hay bạn tình của họ. Theo đánh giá của WHO thì con số thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều, do sự kỳ thị còn phổ biến cùng việc cung cấp thông tin dè dặt về nạn bạo lực tình dục.
Trong bối cảnh trên, báo cáo của WHO cũng chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đang khiến nạn bạo lực đối với phụ nữ trở nên nghiêm trọng hơn do các biện pháp phong thỏa và các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu bị ngắt quãng.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ (UNWomen), bà Phumzile Mlambo-Ngcuka đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về nạn bạo lực đối với phụ nữ, điều tồi tệ hơn là bạo lực tình dục cũng có thể khiến các cô gái từ độ tuổi 15-24 phải trở thành những bà mẹ trẻ. Theo bà Ngcuka, COVID-19 đã gây ra “một đại dịch bóng” liên quan tới gia tăng bạo lực được báo cáo dưới mọi hình thức đối với phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó, quan chức của Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước cần thực hiện các bước đi mạnh mẽ, chủ động, đồng thời thu hút vai trò tham gia của phụ nữ để giải quyết vấn đề này.
Phân tích của WHO chỉ ra rằng, bạo lực đã ảnh hưởng đáng kể đến phụ nữ sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, với ước tính khoảng 37% phụ nữ sống ở các nước nghèo nhất trên thế giới đã từng bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời. Thậm chí tại một số nước thì tỷ lệ này còn cao hơn, lên tới 50%.
Để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện các chính sách phù hợp về chuyển đổi giới, tăng cường phản ứng của hệ thống y tế, tăng cường vai trò can thiệp ở trường học và trong lĩnh vực giáo dục để đẩy lùi tư tưởng phân biệt đối xử, đầu tư vào các chiến lược phòng ngừa dựa trên bằng chứng bền vững và hiệu quả.
Còn Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lại cho rằng: “Không như đại dịch COVID-19, nạn bạo lực phụ nữ không thể bị ngăn chặn bởi vaccine… Chúng ta chỉ có thể chiến đấu với nạn bạo lực bằng những nỗ lực bền vững từ các chính phủ, cộng đồng và các cá nhân, nhằm thay đổi những tư duy không phù hợp, cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội và dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau”./.
(Theo Dangcongsan.vn
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập :
48
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 45
Hôm nay :
1547
Tháng hiện tại
: 44317
Tổng lượt truy cập : 18304609