Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, trong đó trên 45% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành hút thuốc lá. Số lượng người hút thuốc lá cao nên ước tính có khoảng 33 triệu dân phải chịu hút thuốc lá thụ động.
Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
67% người không hút thuốc (khoảng 33 triệu người) cho biết: Họ bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và 49% người lao động (khoảng 5 triệu người) cho biết họ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động tại nơi làm việc (GATS 2010). Các nhà xã hội học thống kê, nếu số tiền mua thuốc hút được dùng để mua thực phẩm hoặc chi tiêu cho các nhu cầu cần thiết khác của hộ gia đình, hơn 2 triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo.
Những môi trường như bệnh viện, trường học cũng có đến 23% bị ô nhiễm vì thuốc lá. Lượng người tử vong vì thuốc lá ước tính cao gấp 3 lần người chết do tai nạn giao thông. Theo một nghiên cứu tại BV K thì có tới 90% ca ung thư phổi là do hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc lá dễ bị lên hen với nguy cơ mắc bệnh gấp đôi bình thường.
Người hút thuốc lá thụ động cũng hại không kém người trực tiếp hút. Nghiên cứu của WHO chỉ ra, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.
Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày.
Khói thuốc có thể gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những đối tượng đang hút thuốc.
Mỗi năm, thế giới có hơn 08 triệu ca tử vong do hút thuốc lá, tỷ lệ xấp xỉ một nửa số người dùng. Trong đó, hơn 07 triệu trường hợp tử vong do hút thuốc trực tiếp và 1,2 triệu trường hợp do hút thuốc thụ động. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở quốc gia thu nhập thấp và trung bình - vốn là thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá.
WHO khuyến cáo, một số biện pháp có thể hạn chế tác hại của thuốc lá, bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng các chính sách phòng, chống và sử dụng thuốc lá; giải pháp bảo vệ xã hội khỏi khói thuốc lá; cung cấp các giải pháp trợ giúp người hút thuốc cai nghiện thuốc lá; áp dụng tuyên truyền nhiều hình thức để cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá; thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; tăng thuế đối với thuốc lá.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã thiết lập, duy trì Tổng đài Tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606), Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.Hồ Chí Minh (1800-1214) và hiện đang có 10 bệnh viên thí điểm triển khai mô hình Phòng Tư vấn Cai nghiện thuốc lá – đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá, giảm nhẹ gánh nặng y tế, kinh tế cho xã hội.