
Tính toán cho thấy, mô hình trồng rau theo phương pháp khí canh, rau chỉ hấp thụ 5% lượng phân bón và 2% lượng nước, giúp tiết kiệm được 95% phân bón và 98% lượng nước nhưng năng suất rau sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Ảnh: SF
Trong phương pháp thủy canh, cây trồng luôn được giữ trong nước và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Trong khi đó với lối canh tác khí canh, các chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây trồng thông qua việc tưới phun.
Ông Anil nói: “Cây khoai tây được trồng trong môi trường khép kín hướng lên trên và bộ rễ ở dưới. Các hệ thống vòi phun nước được lắp đặt ở phía dưới, để các chất dinh dưỡng đã được trộn sẵn và vận chuyển đến bộ rễ. Nói tóm lại, cây trồng sẽ nhận được cả ánh sáng mặt trời từ trên cao và các chất dinh dưỡng từ bên dưới tương tự như ở trên cạn”.
Giới chuyên gia cho rằng, công nghệ sản xuất khí canh mở ra giải pháp mới rất tích cực, tuy nhiên yếu điểm duy nhất của nó là khâu đầu tư ban đầu liên quan đến nhiều chi phí.
Khí canh (Aeroponics technology) là một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp, trồng cây không sử dụng đất (thổ canh), hay nước (thủy canh) mà trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng. Các bụi thể dinh dưỡng cung cấp cho rễ để cây sinh trưởng và phát triển.
Khí canh cung cấp ôxy cho cây trồng tốt hơn, nhờ bộ rễ trong môi trường giàu ôxy làm cho cây có sức đề kháng tốt hơn, hạn chế vi khuẩn kị khí và các loại nấm bệnh nguy hiểm. Ngoài ra khí canh cũng tiết kiệm không gian, diện tích trồng do được thiết kế tích hợp bằng các trụ khí canh thẳng đứng phù hợp với đô thị, kể cả ở trong nhà nếu được cấp ánh sáng đầy đủ.
Với khí canh, rễ cây lơ lửng trong không khí, được cung cấp nước và chất dinh dưỡng bằng phun sương và không khí xung quanh luôn được giữ ẩm. Nguyên tắc cơ bản của hệ thống khí canh là phun một màn sương giàu dinh dưỡng trực tiếp lên rễ hay củ. Việc phun sương thường được thực hiện khá liên tục để cây trồng phát triển và làm tăng quá trình trao đổi chất của cây hơn gấp mười lần so với trồng cây trong đất.