Dịch tả lợn Châu Phi hiện đang có những diễn biến phức tạp tại tỉnh Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay, trên 10.000 con lợn mắc bệnh đã chết và tiêu hủy tại 8/8 địa phương. Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đang triển khai các biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Lợn bị nhiễm dịch tả Châu Phi chuẩn bị đưa đi tiêu hủy.
Anh Phạm Văn Doanh, thôn Mai Trung, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn chia sẻ: "Gia đình tôi năm nay chăn nuôi rất khó khăn, dịch tả lợn Châu Phi càn quét không còn gì cả, gia đình rất mong Đảng, nhà nước và chính quyền hỗ trợ giúp bà con chăn nuôi đỡ một phần nào đó".
Các hộ gia đình thực hiện biện pháp phun khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh lây ra cộng đồng. Chị Bùi Thị Xuyên, nhân viên thú y xã Gia Vân, Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cho biết: "Trên địa bàn xã các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là chính, từ khi có dịch tả lợn Châu Phi, xã đã có kế hoạch ứng phó khẩn cấp và thực hiện phun khử trùng tiêu độc đợt 1 năm 2022 trên toàn địa bàn; đồng thời đưa ra các bản cam kết đến từ hộ gia đình chăn nuôi và các bản cam kết chăn nuôi an toàn sinh học; các bản cam kết về giết mổ đối với các lò mổ hoặc nơi buôn bán; đối với các hộ có lợn bị chết, bị ốm do dịch bệnh phải báo ngay chính quyền địa phương để hạn chế dịch bệnh lây Lan. Đối với việc tiêu huỷ lợn chết, chúng tôi tuân thủ các biện pháp để phòng chống dịch bệnh lây ra cộng đồng rất đảm bảo".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng từ 1/6 đến 7/6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã làm chết và tiêu hủy gần 1.500 con. Dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều ổ dịch mới.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết: "Đến thời điểm bây giờ dịch bệnh chủ yếu tái phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do đó chúng tôi tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn các huyện để khử trùng tiêu độc và đặc biệt là công tác tiêu hủy lợn bệnh, lợn ốm nghỉ mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi để hạn chế các mầm bệnh phát tán ra ngoài môi trường để ngăn không cho lây lan ra các cơ sở chăn nuôi lớn. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không tái đàn trong thời gian địa bàn đang có dịch bệnh chưa qua 21 ngày".
Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là địa phương đang có dịch bệnh phức tạp, nguy cơ cao; qua đó kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực cho người dân và cộng đồng./.
Cẩm Ninh (nbtv.vn)
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập :
65
Hôm nay :
12640
Tháng hiện tại
: 121738
Tổng lượt truy cập : 18382030