Banner2021
21:34 +07 Thứ năm, 28/03/2024
Rss

Trang nhất » HỘI ND-NB » NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh

Thứ năm - 18/08/2022 21:26

Mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo).
Mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo đó, để thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, Chương trình đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.
Tiềm năng lớn trong chuyển đổi số
Là một trong những hợp tác xã tiếp cận với công nghệ cao từ sớm, Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos của Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam (VDECA) như: Nhật ký chăm sóc, quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu... Giám đốc Hoàng Văn Thám chia sẻ, hợp tác xã đã nâng cao tương tác với người tiêu dùng và tiêu thụ ổn định sản phẩm với mức thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm.
Tại Bắc Giang, “thủ phủ” vải thiều, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp địa phương đã triển khai 6 lớp tập huấn ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP cho đối tượng chuyển giao tại các địa phương; xây dựng các mô hình chuyển đổi số như: Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang quy mô 1 ha; ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 tại huyện Việt Yên và Lạng Giang với quy mô 34 ha; ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 quy mô 10 ha tại huyện Lục Ngạn…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, cả nước có hơn 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số và gần 50.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Năm 2021, cả nước có gần 12% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Tiềm năng chuyển đổi số của Việt Nam rất lớn, cơ sở hạ tầng công nghệ đang phát triển đa chiều, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng. Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao có kết nối 3G và 4G, trong đó mạng 4G đã phủ sóng khoảng 95% số xã.
Tuy nhiên, mức độ phổ cập đối với các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chủ yếu tập trung ở thành thị, thậm chí đạt tới mức bão hòa ở nhiều nơi. Trong khi, các dịch vụ này ở vùng nông thôn, nơi chiếm hơn 70% dân số, còn thấp và nghèo nàn. Cùng với đó, nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản… Tất cả đòi hỏi một chiến lược để khai thác tốt tiềm năng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tập trung chuyển đổi số, hướng đến tri thức hoá nông dân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp ban hành, tạo đà phát triển, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thông qua cuộc đối thoại trực tiếp với nông dân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục. Đơn cử như quy mô sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; công nghiệp chế biến chậm phát triển; chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào; thị trường tiêu thụ vẫn bị phụ thuộc vào một số quốc gia. Thu nhập của bộ phận lớn người nông dân còn thấp, chênh lệch nhiều với cư dân đô thị…
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, liên kết chuỗi với sự tham gia của nhiều nhà là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhà doanh nghiệp thì không thể liên kết với từng nhà nông dân; do đó thời gian tới, Nhà nước cần thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển để làm cầu nối liên kết.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số, coi đây là mục tiêu nhiệm vụ nhằm hướng đến tri thức hoá nông dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị mỗi người nông dân cũng cần chủ động trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Đối với vấn đề xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương phải bắt tay giải quyết triệt để tình thế trước mắt, nhưng có tính đến định hướng lâu dài. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế dịch bệnh, thiên tai và thị trường để điều tiết sản xuất nông nghiệp đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả cao.
Để làm chủ nguồn giống, vật tư nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần có cơ chế phù hợp để chủ động được hoạt động sản xuất trong nước, trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tài nguyên của đất nước; tiến tới bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, mỗi địa phương cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, nông dân đối với sự phát triển của đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với đa dạng chuỗi cung ứng.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích dành cho nông dân; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, hiện đại hoá đất nước.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo thị trường để tránh tình trạng “được mùa mất giá” và gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp…
“Các bộ ngành, địa phương, nhất là Hội Nông dân các cấp cần sâu sát với hội viên cơ sở, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ, định hướng nông dân sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Thủ tướng khẳng định, trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân, gắn với mục tiêu “phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Nguồn: kinhtenongthon.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 

LIÊN KẾT WEBSITE

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC

THƯ VIỆN ẢNH

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THỐNG KÊ TRUY NHẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 288


Hôm nayHôm nay : 47280

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1126579

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23356614